Cuộc đời Vũ Hữu Lợi

Vũ Hữu Lợi là người làng thôn Giao Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Thuở còn cắp sách, ông theo học với Huấn đạo Nam Trực Trần Công Dương (tên khác là Trần Ngọc Toàn), Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị và Tế tửu Vĩnh Xuyên Vũ Văn Lý. Khi học với thầy Lý, ông là bạn đồng môn với Nguyễn Khuyến (sau thi đỗ Tam nguyên) và Vũ Văn Báu (con thầy Lý, đỗ Phó bảng cùng khoa với ông Lợi).

Dưới triều vua Tự Đức, Vũ Hữu Lợi thi đỗ Cử nhân (1870); đến năm Ất Hợi (1875), ông đỗ luôn Tiến sĩ (1875), nên còn được gọi là ông Nghè Lợi Dao Cù.

Thi đỗ, ông được triều đình bổ nhiệm làm Đốc học [1] Nam Định, tiếp theo là Thương biện Nam Định, rồi Tá lý bộ Binh.

Sau khi quân Pháp đánh chiếm Nam Định, Vũ Hữu Lợi bỏ quan về quê dạy học, cùng với bạn là Đỗ Huy Liêu ngầm chiêu mộ nghĩa quân, chuẩn bị khởi nghĩa chiếm lại tỉnh thành trên.

Ít lâu sau, ông bị bạn học là Vũ Văn Báo đang làm Tổng đốc Nam Định-Hưng Yên phát giác, báo quân Pháp đến bắt.

Dụ hàng không được, đêm 30 Tết năm Đinh Hợi (đầu năm 1887), Vũ Hữu Lợi bị đối phương đem ra xử chém tại chợ Nam Định.

Năm 1905, kể lại việc này, nhà chí sĩ Phan Bội Châu đã viết trong Việt Nam vong quốc sử như sau:

...Bấy giờ có một tên chó lợn Việt Nam mà đội mũ tiến sĩ là Nguyễn Văn Báo (họ Vũ, tác giả nhớ lầm). Quân Pháp đem chức quan to dụ lót tên Báo, Báo đứng ra làm gián điệp. Báo là bạn đồng niên của (Vũ Hữu) Lợi. Lợi tin, Báo dẫn quân Pháp vào đồn, Lợi bèn bị bắt. Bấy giờ Bắc Kỳ chưa yên, Pháp muốn đưa Lợi làm quan để thu phục nhân tâm, ông trước sau không chịu khuất, giặc bèn đem chém bêu đầu ở chợ thành Nam đúng hôm trừ tịch cuối năm.[2]

Chưa rõ năm nào, một học trò cũ của ông là Đinh Quang Nhường đã dẫn đầu các bạn đồng môn, tổ chức vây bắt được Vũ Văn Báo rồi đem đi thiêu sống.